Mỹ chưa chi tiền nhiều như Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ

15/09/2020

Một chuyên gia công nghệ và an ninh mạng giải thích tại sao việc Mỹ không sẵn sàng chi thêm tiền, đang là bất lợi lớn cho nước này trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc.

James Andrew Lewis hiện là phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc chương trình Chính sách Công nghệ. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông nói rằng điểm yếu của Mỹ trong cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu là không sẵn lòng đầu tư thêm tiền. Lewis từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo ông: “Trung Quốc đã chi hơn Mỹ khoảng 1.000 lần về quy mô đầu tư vào chất bán dẫn”. Lewis cho biết Mỹ đã có sự ủng hộ từ cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa trong việc cấp chi phí từ liên bang để thúc đẩy năng lực dẫn đầu của Mỹ trong sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên cho đến nay “tiền vẫn chưa thấy”.

Chất bán dẫn trở thành một yếu tố quan trọng của cuộc đua công nghệ giữa các nước. Trong đó Mỹ và Trung Quốc liên tục cạnh tranh nhau để chiếm ưu thế trên nhiều lĩnh vực. Lewis nghĩ rằng chính phủ Mỹ cần phải chi nhiều hơn so mức “chỉ vài triệu USD”. Đây là điều cần thiết nếu Mỹ muốn tiếp tục giữ vị thế đua tranh với Trung Quốc.

Trung Quốc sẵn sàng chi, đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ.
Ảnh: Sưu tầm

SMIC là một trong những con cờ mạnh của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chất bán dẫn. Hầu hết chip được sử dụng ở Trung Quốc hiện nay đều phải nhập khẩu. Điều đó khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc vào phía nhà cung cấp nước ngoài để sở hữu những sản phẩm chất bán dẫn cao cấp. Nếu Mỹ quyết định áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với SMIC thì công ty này sẽ bị hạn chế về tiếp cận công nghệ chip do giới doanh nghiệp Mỹ cung cấp.

SMIC được xem là công ty chủ chốt để phát triển ngành bán dẫn nội địa của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đang leo thang.
Nguồn ảnh: Sina Finance.

Ngành công nghiệp chất bán dẫn của Trung Quốc nhận được nhiều tài trợ từ chính phủ nước này. Reuters từng dẫn tin Quỹ đầu tư Công nghiệp vi mạch tích hợp Trung Quốc đã chi khoảng 20 tỉ USD cho các dự án về chip trong năm 2014 và thêm vào 29,8 tỉ USD nữa trong năm 2019. Những nhà đầu tư tư nhân khác cũng bắt đầu quan tâm hơn đến điều này.

Tuy nhiên, Lewis nhận định Trung Quốc phải mất ít nhất 10 năm nữa để bắt kịp Mỹ về khả năng sản xuất chip cao cấp. Bởi quá trình sản xuất vốn đòi hỏi độ chính xác cao cùng kỹ năng khoa học; và những đối sách mà Mỹ đang làm còn có thể làm chậm quá trình này lại. Ông nghĩ tình thế sẽ thay đổi thêm nếu Trung Quốc rút ra được bài học kinh nghiệm về năng lực dẫn đầu của Mỹ trong công nghệ.

Lewis kết luận: “Chúng ta chỉ ở giai đoạn đầu của một cuộc tranh đua lớn hơn, trong đó công nghệ, các lực lượng kinh tế và thậm chí cả các thiết bị nhà bếp cũng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn”.

Nguồn: Báo Thanh niên